Gia tộc Samsung bán đứt siêu biệt thự 435 tỷ đồng để gánh khoản thuế thừa kế khổng lồ
Cấu trúc thuế thừa kế cao ngất ngưởng ở Hàn Quốc, có thể lên tới 60%, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các tập đoàn gia đình như Samsung.
Lo trả góp khoản thuế thừa kế kỷ lục, gia đình cố Chủ tịch Samsung rao bán siêu bất động sản hơn 435 tỷ đồng
Những người thừa kế của cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung (Samsung Group), ông Lee Kun-hee, đã bán một bất động sản sang trọng ở trung tâm Seoul với giá 22,8 tỷ won (khoảng 16,7 triệu USD, tức hơn 435 tỷ đồng). Đây dường như là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm chi trả khoản thuế thừa kế lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Theo thông tin từ cơ sở dữ liệu giao dịch bất động sản chính thức của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, thương vụ này đã được hoàn tất vào ngày 13/6/2025.
>> Tỷ phú bảo hiểm sắp soán ngôi ‘Thái tử’ Samsung trở thành người giàu nhất Hàn Quốc

Hồ sơ đăng ký của tòa án xác nhận rằng siêu biệt thự này nằm ở khu phố nổi tiếng Itaewon thuộc quận Yongsan, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Bất động sản vô cùng đắt giá này thuộc sở hữu chung của bà Hong Ra-hee (vợ ông Lee Kun-hee, cố Chủ tịch Samsung và hiện là Giám đốc danh dự của Bảo tàng Nghệ thuật Leeum) cùng 3 người con của họ: ông Lee Jae-yong (Chủ tịch điều hành Samsung Electronics, hay còn được biết đến với biệt danh “Thái tử Samsung”), bà Lee Boo-jin (Chủ tịch khách sạn Shilla) và bà Lee Seo-hyun (Chủ tịch bộ phận thời trang của Samsung C&T).
Người mua căn biệt thự nổi tiếng của những người thừa kế tập đoàn Samsung được cho là một doanh nhân. Tính đến nay, quyền sở hữu tài sản này vẫn chưa được chuyển giao chính thức.
Căn biệt thự kể trên tọa lạc trên mảnh đất rộng 1.073m2, với tổng diện tích sàn khoảng 497m2, gồm 3 tầng.
Ông Lee Kun-hee, Chủ tịch quá cố của Samsung đã mua ngôi nhà này vào năm 2010 với giá khoảng 8,28 tỷ won (hơn 156,5 tỷ đồng). Mức giá bán gần đây đã tăng 175%, tương đương khoảng 70 triệu won mỗi pyeong (1 pyeong xấp xỉ 3,3m2). Bất động sản này nằm gần khu nhà ở cao cấp, thường được gọi với cái tên không chính thức là “thị trấn gia tộc Samsung”.

Sau khi ông Lee Kun-hee qua đời vào ngày 25/10/2020 ở Seoul, Hàn Quốc và hưởng thọ 78 tuổi, ngôi nhà được chia cho 4 thành viên trong gia đình ông vào tháng 5 năm 2021.
Bà Hong nhận được 1/3 khối tài sản, trong khi 3 người con, mỗi người nhận 2/9. Dù không được niêm yết công khai, báo cáo cho thấy gia đình cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã bắt đầu xem xét bán căn biệt thự chung của họ từ đầu năm nay.

Thời điểm bán bất động sản này trùng khớp với chiến lược tài chính quy mô lớn mà những người thừa kế Tập đoàn Samsung theo đuổi kể từ khi thừa kế khối tài sản trị giá 26 nghìn tỷ won. Theo luật thuế của Hàn Quốc, họ phải nộp khoảng 12 nghìn tỷ won tiền thuế thừa kế – một con số lớn chưa từng có. Gia đình cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đang phải chi trả số tiền này trong vòng 6 năm theo kế hoạch trả góp được Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt.
Từ năm 2021, những người thừa kế đã thực hiện nhiều biện pháp để hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình, bao gồm bán cổ phần tại các công ty thành viên của Samsung và vay vốn bằng cách thế chấp cổ phiếu. Việc bán bất động sản gần đây là một ví dụ rõ ràng hơn về việc thanh lý tài sản để phục vụ mục đích này.
>> Giàu hơn cả 'Thái tử Samsung': 'Bố già' MBK là ai mà khiến giới tài chính Hàn Quốc dậy sóng?
Đây không phải là căn biệt thự duy nhất ở Itaewon mà gia đình thừa kế Samsung – chaebol (tập đoàn gia đình) lớn nhất Hàn Quốc đã bán.
Năm 2023, họ đã hoàn tất việc bán một bất động sản khác gần đó cũng được thừa kế từ ông Lee Kun-hee. Căn nhà này từng được rao bán âm thầm vào năm 2021 với giá 21 tỷ won (gần 401 tỷ đồng). Giao dịch hoàn tất chỉ 1 năm sau, nhưng giá bán cuối cùng không được công bố. Giống như thương vụ gần đây, tài sản này cũng được ông Lee mua vào năm 2010.
Đáng chú ý, thuế thừa kế của Hàn Quốc là một trong những loại thuế cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - một tổ chức liên Chính phủ quy tụ các quốc gia cam kết dân chủ và kinh tế thị trường, với mức thuế tối đa là 50%, có thể tăng lên 60% nếu việc chuyển nhượng cổ phần đi kèm với quyền điều hành công ty.
Cấu trúc này ảnh hưởng nặng nề đến các tập đoàn gia đình như Samsung. Thuế này được áp dụng lần đầu dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee vào những năm 1960 như một phần của nỗ lực thiết lập quyền kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản và hạn chế việc tích lũy của cải quá mức trong thời kỳ công nghiệp hóa nhanh chóng của “xứ sở kim chi”.
Theo Korea Herald/Korea JoongAng Daily
>> 'Thái tử Samsung' bị đề nghị án tù 5 năm, nộp phạt nửa tỷ won